CHƯƠNG IV: CON CÁI
TÌNH MẪU TỬ Nơi con người, tình mẫu tử có hai mặt, và phức tạp hơn tình mẫu tử nơi các loài động vật khác. Thứ nhất, động tác sinh nở nơi con người không khác gì nơi muôn vật khác. Như cây sinh trái, gà ấp trứng, mọi bà mẹ cũng góp phần sinh sản ra cuộc sống mới. Và thật chí lý khi nói về người phụ nữ: “Phúc cho hoa trái của lòng bà!”
Tuy nhiên tình mẫu tử nơi con người còn mặt thứ hai siêu vời hơn tức là tinh thần. Linh hồn đứa bé không sinh ra từ linh hồn hay thân xác bà mẹ, mà được chính Chúa tạo ra một cách mới mẻ đoạn thổi vào thân xác của bào thai. Tình mẫu tử về mặt thể lý được ca ngợi do người mẹ đồng hợp tác với Chúa là Đấng phú cho đứa bé một linh hồn và cho phép người phụ nữ cưu mang linh hồn ấy trong xác thịt của bà. Không phải người phụ nữ này mang trong mình một con vật nhỏ nhoi mà chính là một con người được tạo dựng theo hình ảnh của vị Thiên Chúa, Đấng tạo dựng ra con người ấy.
Như thế mọi đứa trẻ do người phụ nữ sinh ra đều có hai người Cha: người cha trần thế truyền cho bé sự sống và người Cha thiên quốc ban cho bé một nhân vị, một linh hồn, một cái “ngã” không thể nào thay thế được. Người mẹ là tác nhân thiết yếu cộng tác vào công việc của hai người Cha này. Mối tương giao của riêng bà và đứa bé phát sinh hai khía cạnh: khía cạnh làm mẹ đứa bé theo đó về mặt thể lý hầu như đứa bé lệ thuộc hoàn toàn vào người mẹ. Tuy nhiên cũng còn mối tương quan của người mẹ - với một nhân vị (được biểu lộ nơi phép rửa, lúc mà đứa bé được đặt cho một tên thánh). Mối tương quan thứ hai này xác nhận phẩm giá và cái ngã tách biệt của đứa bé dù là nó chỉ bé tí xíu, đồng thời báo trước sau này nó có quyền hạn tự sống cuộc sống riêng mình, đồng thời có quyền lìa cha bỏ mẹ để sống với vợ của nó.
Cuộc sinh nở nào cũng đòi buộc phải có sự phục tùng và kỷ luật. Đất đai còn phải chịu cày xới trước khi thụ động đón nhận mầm gieo. Tuy nhiên, nơi người phụ nữ, nàng không phải thụ động phục tùng mà đây chính là hành vi hy sinh, sáng tạo đầy ý thức, và vì sự vô vị lợi này mà toàn bản thân nàng đã được nên hình nên dạng. Ai cũng đều rõ là phụ nữ có khả năng chịu đựng hy sinh hơn nam giới nhiều; một người đàn ông có thể là người anh hùng trong một cơn hứng khởi, nhưng sau đó lại trở về tình trạng tầm thường như trước. Đàn ông thường thiếu đức tính kiên trì là đức tính giúp người phụ nữ sống anh hùng hết năm này sang tháng khác và sống anh hùng từng giây phút trong cuộc sống của họ qua việc đón nhận đều đặn các phận vụ thường dễ làm tiêu hao tinh thần của họ; không phải chỉ ban ngày mà còn cả ban đêm, không phải chỉ tâm hồn mà còn cả thân xác, người phụ nữ cũng đến chia sẻ nỗi đớn đau của tình mẫu tử. Đó là lý do người nữ thường hiểu sâu sắc hơn người nam về học thuyết ơn cứu chuộc, bởi vì người phụ nữ tham dự vào sự liều chết trong lúc sinh con, và họ hiểu được thế nào là sự hy sinh thân mình cho kẻ khác suốt những tháng ngày trước khi sinh nở.
Hai qui luật thiêng liêng lớn lao kết liên thành một nơi một bà mẹ: yêu tha nhân và cùng hợp tác với ân sủng Chúa – và cả hai qui luật này lại được áp dụng trong một đường lối duy nhất. Trừ tình yêu của một bà mẹ ra thì tình yêu tha nhân luôn có nghĩa là tình yêu dành cho một cái ngã khác; còn tha nhân của bà mẹ trong thời mang thai thì lại trở thành một với bà ta, mặc dù hoàn toàn được yêu khác với cái ngã của bà ta. Giờ đây, đôi lúc sự hy sinh cho tình yêu tha nhân lại xảy ra ngay trong da thịt bà, tác nhân và đối tượng hành vi hy sinh của bà đều được chứa đựng bên trong người bà.
Còn việc cộng tác với ân sủng nơi một bà mẹ thì mặc dù bà không mấy ý thức được, nhưng bà vẫn là người cộng sự của Thiên Chúa: theo một nghĩa nào đó, mọi bà mẹ đều được “Chúa Thánh Linh phủ bóng”. Dù không là một linh mục, bà cũng được uỷ thác cho một thứ quyền dành riêng cho linh mục, tức là đem Chúa đến cho con người, và đem con người đến với Thiên Chúa. Qua việc chấp nhận vai trò làm mẹ, bà mang Chúa đến cho con người bằng cách cho phép Thiên Chúa thổi vào trong thân xác bà một linh hồn mới mẻ để bà cưu mang. Đồng thời bà cũng mang con người đến cho Thiên Chúa cũng qua hành vi sinh nở khi bà bằng lòng trở nên một dụng cụ qua đó một người con Chúa được sinh ra trong trần gian. Phải là loạn thị mới xem tình mẫu tử như là một vấn đề chỉ can hệ tới một người đàn ông và một người đàn bà: như thế là tước đoạt mất danh dự dành cho nó. Bởi vì để hiểu được ý nghĩa thực sự của tình mẫu tử, chúng ta còn phải thêm yếu tố linh thiêng vào việc tạo thành một đứa bé. Chúng ta phải nhìn ra đây là công việc của một người phụ nữ hợp tác với chồng, là người cha của đứa bé xét về mặt nhân loại, và với Chúa là người Cha ban cho đứa bé linh hồn vĩnh cửu, bất diệt khác hẳn mọi linh hồn khác từng được tạo ra suốt dòng lịch sử thế giới. Như thế, mọi tình mẫu tử nơi con người đều bao hàm việc hợp tác với Thiên Chúa.
CHA MẸ VÀ CON CÁI
Trẻ vị thành niên không bị kết án phạm pháp, mà chỉ có bố mẹ chúng mới bị khép tội phạm pháp. Ngày nay giới răn thứ tư “Hãy thảo kính cha mẹ” hiếm khi được trưng ra như phương tiện phục hồi nếp sống an bình trong gia đình. Nếu kỷ luật trong gia đình bị lơ là thì về sau khó mà phục hồi lại được. Như Coleridge từng nói: “Nếu bạn dạy dỗ con cái theo một đường lối khiến chúng ác cảm với các tình cảm tôn giáo của các dân tộc nơi mà chúng sinh sống, thì chúng sẽ dễ dàng trở nên những kẻ côn đồ hay là những kẻ cuồng tín và cả hai loại người này cũng chẳng khác gì nhau”. Cách cư xử của con cái đối với cha mẹ chúng đã để lại những hậu quả khác nhau. Các bà mẹ thường phải đau khổ vì bọn chúng sống bê bối nhiều hơn là các bậc làm cha vui mừng vì hạnh kiểm của chúng.
Bổn phận cha mẹ đối với con cái một đàng là phải tránh đối xử khắc nghiệt với chúng, một đàng không được buông thả chúng. Thiên Chúa ban cho cha mẹ đứa con như một chất liệu mềm dẻo để đúc thành tốt hoặc thành xấu. Giả như Thiên Chúa đặt vào tay bậc làm cha mẹ một viên kim cương quý giá và bảo họ khắc lên đó một câu mà ngày phán xét cuối cùng sẽ được đọc lên cho mọi người nghe và câu đó sẽ được kể như bản chỉ dẫn cho thấy tư tưởng và lý tưởng của họ thì sao nhỉ? Hẳn họ sẽ ghi khắc cẩn thận biết bao! Ấy thế mà chính cha mẹ sẽ bị phán xét vào ngày chung thẩm về tấm gương mà họ để lại cho con cái mình. Trách nhiệm kinh khủng này dĩ nhiên không bao giờ có nghĩa là nếu con cái phạm sai lầm, cha mẹ phải nổi cơn thịnh nộ lên, bởi vì như thế sẽ làm chúng nhụt chí. Cha mẹ phải đóng vai Thiên Chúa trong gia đình mình. Nếu họ tỏ ra như bạo chúa thì họ sẽ vô tình phát triển thứ tình cảm chống đối tôn giáo nơi con mình. Trẻ con thường yêu thích được chấp thuận, chúng rất dễ rơi vào tuyệt vọng nếu bị khiển trách quá mức. Sẽ khó dạy bảo về Tình yêu và lòng xót thương của Chúa cho con cái mình biết bao nếu các nhiếp chính của Ngài (tức bố mẹ) trong môi trường gia đình lại cư xử không hề biết thương xót hoặc khó khăn lắm mới làm được điều đó! Một khi thiện chí đã bị hạ thấp, lũ trẻ bị lăng mạ thì chắc chắn chúng sẽ tỏ ra cho cha mẹ thấy chúng cũng chẳng tốt hơn những gì bố mẹ đã nghĩ về chúng.
Trẻ con đến với Kitô giáo theo cách thức của chúng qua lời nói của Đấng Sáng Lập: “Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng vì nước trời thuộc về những kẻ giống như chúng”. Ngài đã thánh hiến tuổi thơ bằng cách trở nên một đứa bé, vui đùa trên vùng đồi núi xanh ngắt làng Nazaréth, ngắm nhìn chim mẹ đùa giỡn với bầy con. Từ ngày đó, điều này đã trở nên muôn đời đúng đắn: “Hãy dạy dỗ đứa bé con đường chân chính, và mãi đến già, nó sẽ không xa lìa khỏi con đường ấy”. Khi non cây nghiêng phía nào, thì khi lớn lên cây nghiêng phía ấy. Thật thú vị khi nhìn vào những đứa trẻ, chúng ta có thể đoán được đường lối hành động của chúng dựa theo gốc gác gia đình chúng. Cây tốt thì mới sinh trái ngọt, vì thế người ta có thể suy đoán tính tình bố mẹ qua đám con của họ. Người ta thấy rằng trong những gia đình nào mà cha hoặc mẹ chỉ cần liếc nhìn một cái là đứa trẻ cũng đã biết ý của cha mẹ để làm theo, thì những đứa trẻ trong gia đình đó không sợ bị hư thân, lầm lạc.
Ngày nay người ta có khuynh hướng trút trách nhiệm cho nhà trường. Tuy nhiên phải nhớ rằng giáo dục một đứa trẻ thì khác xa với việc lo chăm bón đất, lo đủ khí trời và ánh sáng. Một hạt giống sẽ lớn mau hơn tuỳ theo đất đai và khí hậu, tuy nhiên cây có lớn lên còn tuỳ nơi hạt được gieo nữa. Cũng thế, giáo dục không phải chỉ là giáo dục tâm trí mà phải giáo dục cả ý chí nữa. Tri thức nằm trong tâm trí còn tính tình nằm nơi ý chí. Chất đống tri thức vào tâm trí đứa bé mà chẳng rèn luyện ý chí nó yêu mến điều thiện thì khác nào đưa khẩu súng nhét vào tay nó. Không được giáo dục mặt tâm trí thì đứa trẻ có thể trở thành một con người đần độn. Chứ được giáo dục mặt tâm trí mà thiếu giáo dục lòng yêu mến điều thiện thì một đứa bé có thể trở thành một con quỉ ma mãnh.
Tuổi trẻ hôm nay là tương lai của đất nước. Những người trẻ là nguồn bảo đảm cho đất nước được tiến bộ, là mũi tên mạnh mẽ dẫn đất nước đến một tương lai sán lạn hơn, là đôi cánh cao bay chất chứa bao kỳ vọng. Ngay cả trong thời chiến, sức mạnh của một dân tộc không hệ tại đạn bom của nước đó mà hệ tại những người chiến sĩ bảo vệ nước. Trong thời bình, không phải là nền kinh tế hay chính trị cứu vớt đất nước mà chính là những kinh tế gia tài ba và những chính khách lỗi lạc, song muốn được như thế, trước đó họ phải là những đứa con gương mẫu. Muốn được thế, thứ nhất, phải có ơn Chúa, thứ hai phải được gia đình dạy cho bài học về tình yêu và chân lý và được nhà trường dạy cho kiến thức và lòng tự chủ. Ngay cả trong những thất bại đầu đời của đàn con, các bậc cha mẹ cũng chớ nên ngã lòng, mà hãy nhớ rằng cách đây mười lăm thế kỷ, khi nhìn thấy một bà mẹ nát lòng vì cậu con hoang đàng, thánh Ambrosiô đã nói với bà ta như sau: “Này bà Monica, bà đừng sợ, cậu bé mà bà đã tốn bao nhiêu nước mắt như thế thì không thể nào hư mất đâu”. Thật thế, cậu bé cao ngạo và lêu lổng đó về sau đã trở thành vị thánh Augustinô vĩ đại, uyên thâm. Mọi người trước khi qua đời đều nên đọc tập “Tự thú” của Ngài. |